TẠP CHÍ NỮ DOANH NHÂN: “VỮNG TIN BƯỚC TỚI VỚI CHỮ ‘TÂM’ SÁNG TRONG”

TẠP CHÍ NỮ DOANH NHÂN: “VỮNG TIN BƯỚC TỚI VỚI CHỮ ‘TÂM’ SÁNG TRONG”

INTERVIEW | Tổng Giám đốc VinHMS, Nguyễn Văn Hoàng: Ưu tiên sự minh bạch

Mỗi người khi đến với cuộc đời này dường như đều mang trong mình một sứ mệnh, và với doanh nhân Nguyễn Văn Hoàng, sứ mệnh gắn liền với sự nghiệp của anh là góp phần phát triển cho ngành công nghệ Việt Nam.

Tốt nghiệp Thạc sĩ công nghệ tại Mỹ và dành gần 10 năm làm việc tại quốc gia này trong nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng trong lòng doanh nhân Nguyễn Văn Hoàng dường như chưa bao giờ nguôi ngoai khát khao được trở về quê hương, đóng góp vào bức tranh công nghệ đang dần khởi sắc tại Việt Nam.

Trở về nước năm 2011, anh bắt đầu hành trình khởi nghiệp đầy chông gai và rồi được trao cơ hội lèo lái “con tàu” VinHMS – công ty sản xuất và kinh doanh phần mềm thuộc Tập đoàn Vingroup. Dù con đường gắn bó và theo đuổi phát triển cùng nền công nghệ Việt lắm gian nan và thử thách, nhưng với anh, lòng biết ơn và chữ “tâm” luôn là kim chỉ nam dẫn lối để vững tin bước tới một cách bền vững.

Phỏng vấn Tổng Giám đốc CEO VinHMS Nguyễn Văn Hoàng về công nghệ

CHÁY BỎNG TÂM HUYẾT VÌ CÔNG NGHỆ

Xin chào anh, là một vị quản lý theo đuổi khát vọng phát triển ngành công nghệ trong thời gian khá lâu hơn 22 năm, đến nay những gì đạt được trong sự nghiệp đã như anh kỳ vọng chưa?

Tôi nghĩ không ai có thể tự tin cho rằng mình đã đạt được mọi thứ như kỳ vọng, chưa kể tôi vẫn còn nhiều hoài bão đang được ấp ủ và lên kế hoạch để hiện thực hóa. Nhưng, như một câu nói nổi tiếng của Steve Jobs: “The journey is the reward”, hành trình chúng ta đã và đang vượt qua kỳ thực mới chính là thành quả tưởng thưởng cho những nỗ lực. Đến hiện tại, dù con đường phát triển của mình trên hành trình này đã có nhiều bước tiến vượt trội nhưng tôi biết, đâu đó vẫn ẩn giấu nhiều thách thức. Vì thế, tôi luôn trân trọng mọi trải nghiệm và có sự thỏa mãn nhất định trong công việc qua từng nấc thang đạt được. Nhờ vậy, tôi vẫn giữ được tinh thần mạnh mẽ để tiến về phía trước, tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.

Trong giai đoạn này, bức tranh chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại Việt Nam có như anh đã từng hình dung?

Tôi cho rằng không ai có thể hình dung mà chỉ dự đoán được phần nào sự phát triển của Việt Nam về công nghệ. Đó là vì nước chúng ta đang sở hữu tốc độ phát triển công nghệ rất nhanh và có nhiều điểm khác biệt so với các quốc gia khác. Điển hình, nhìn lại thời điểm 5-10 năm trở về trước, không ai có thể hình dung được hệ thống hạ tầng công nghệ 3G, 4G hay 5G tại Việt Nam có thể phủ sóng rộng rãi và nhanh chóng như vậy. Chính tốc độ phát triển đáng kinh ngạc này đã và đang tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ từ tầm tập đoàn đến SMEs chuyển mình vươn lên, chinh phục khách hàng và cùng chia “chiếc bánh thị phần”.

Theo anh, những thay đổi đó đã đủ mang đến sự lạc quan cho các doanh nghiệp trong ngành công nghệ số Việt Nam hiện nay chưa? Vấn đề lớn nhất của ngành trong giai đoạn này là gì?

Câu trả lời của tôi là có. Ví dụ như VinHMS chúng tôi là một trong những doanh nghiệp đó, và chúng tôi đang cảm thấy rất lạc quan về triển vọng và cơ hội trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Thời điểm này, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn chung do suy thoái kinh tế thế giới và suy giảm nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất của ngành công nghệ Việt Nam là đội ngũ nhân lực thông minh, luôn mang tinh thần nhiệt huyết, ham học hỏi, nhạy bén và sẵn sàng thay đổi. Nếu có định hướng cụ thể và rõ ràng, tôi tin công nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển ở tầm cao và xa hơn nữa.

Tuy nhiên, nhân lực có thể nói cũng là vấn đề lớn của ngành công nghệ Việt hiện nay. Về số lượng tương đối đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhưng chất lượng nhân sự chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do họ chưa có nhiều cơ hội cọ xát, trải nghiệm trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp và đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó, yếu tố kỷ luật và bền bỉ của nhân sự Việt cũng còn yếu và thiếu. Nhân viên người Việt có thể học hỏi rất nhanh nhưng vậy chưa đủ, nếu muốn phát triển chuyên nghiệp và chinh phục các vị trí quản lý cấp cao, theo tôi họ không cần phải đặc biệt quá giỏi, mà quan trọng là duy trì được phong độ và tư duy làm việc kỷ luật.

Tại VinHMS, đâu là những yếu tố để anh tự tin rằng các giải pháp chuyển đổi số của VinHMS cung cấp hoàn toàn có thể tối ưu hơn của những công ty khác?

VinHMS tập trung cung cấp giải pháp công nghệ cho nhóm ngành khách sạn, là ngành tương đối mang tính truyền thống và lâu năm. Chính vì thế, các khách hàng trong ngành này hiện đã có nhiều nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ cũng rất lâu đời, có nhiều uy tín và kinh nghiệm. Đây chính là một thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp công nghệ mới gia nhập thị trường. Dù doanh nghiệp của bạn có sản phẩm với tính năng tốt nhất, hiện đại nhất thì cũng chưa chắc có được khách hàng.

Vì thế, VinHMS hiện có hai yếu tố mang đến thế mạnh cho chúng tôi trên thị trường. Đầu tiên, VinHMS ra mắt đúng thời điểm Tập đoàn VinGroup quyết định đầu tư vào lĩnh vực Công nghệ Công nghiệp và khoản đầu tư đó đủ lớn để chúng tôi có cơ hội phát triển những sản phẩm có độ phức tạp cao. Thứ hai, những khách hàng đầu tiên của VinHMS là hệ thống khách sạn VinPearl trải dài khắp Việt Nam đã đem đến cho chúng tôi vô cùng nhiều những kinh nghiệm thực tiễn. Nhờ điều này, chúng tôi đã dần hoàn thiện sản phẩm, chứng minh được năng lực, tạo dựng uy tín trong ngành, từ đó mở rộng tệp khách hàng.

Phỏng vấn Tổng Giám đốc CEO VinHMS Nguyễn Văn Hoàng về công nghệ

Cụ thể hơn, “selling points”  lợi điểm bán hàng độc nhất mà VinHMS đang tập trung là gì, thưa anh?

Như đã nói ở trên, khi thị trường cung cấp giải pháp công nghệ cho ngành khách sạn đang là lợi thế của các doanh nghiệp lâu đời, có nhiều kinh nghiệm, thì chiến lược kinh doanh được chúng tôi xác lập ngay từ đầu là không cạnh tranh trực tiếp về tính năng sản phẩm. Thay vào đó, chúng tôi khẳng định mình qua sự linh hoạt và khả năng bắt nhịp xu hướng thay đổi của người dùng cuối. Đây chính là điều mà các công ty lớn khác trong ngành chưa làm được hoặc rất khó để thay đổi trên nền tảng cũ.

Ví dụ như trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, để đảm bảo an toàn, việc giao tiếp khi khách check in – check out tại khách sạn được yêu cầu “contactless – không chạm”. Nhu cầu khởi phát đột ngột này đã đòi hỏi chúng tôi phải có sự ứng biến nhanh, cung ứng được giải pháp công nghệ phù hợp thời điểm. Hay như việc các khách hàng hiện đại dần ưa chuộng thanh toán không tiền mặt qua QR, GrabPay, ZaloPay hoặc MoMo trong khi các khách sạn vẫn dùng hình thức tiền mặt hoặc thẻ tín dụng, đây cũng là ví dụ điển hình cho những đổi thay trong nhu cầu thị trường mà “ngành mến khách” đang gặp phải đã được chúng tôi tư vấn nhanh chóng và thành công.

Tầm nhìn tại VinHMS có hướng đến thị trường quốc tế không?

Ngay từ ngày đầu, VinHMS chúng tôi đã xác định tham vọng phát triển thành một công ty quốc tế chứ không chỉ dừng lại ở Việt Nam. Vì thực tế, trên thế giới hay cụ thể hơn là khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Việt Nam vẫn còn nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có hệ thống du dịch, nhà hàng và khách sạn rất phát triển như Thái Lan, Singapore, Malaysia,… Vì thế ngay từ ban đầu, chúng tôi đã đặt mục tiêu là công ty phần mềm quốc tế, đặc biệt năm 2023 là năm bản lề để từng bước hiện thực hóa mục tiêu ấy song song phát triển thị trường trong nước.

Theo anh, doanh nghiệp công nghệ Việt cần hội tụ đủ những yếu tố nào để có thể vươn lên làm chủ cuộc chơi chuyển đổi số không chỉ ở Việt Nam mà còn quốc tế?

Trong cuộc chơi này, điều kiện cần để vươn lên là các doanh nghiệp công nghệ có một sản phẩm đủ tốt và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi để cạnh tranh bình đẳng. Nhiều công ty Việt Nam đã có đội ngũ kỹ thuật, kỹ sư rất giỏi. Hơn thế nữa, họ cũng đã ứng dụng điện toán đám mây “Cloud” nên gần như thu hẹp khoảng cách đáng kể với các quốc gia khác.

Nhưng về điều kiện đủ thì các công ty trong ngành vẫn còn thiếu một đội ngũ phát triển thị trường và Product Marketing giỏi. Giống như một món ăn được đem bán, chúng ta có nguyên liệu tốt, có công thức nấu ăn ngon nhưng lại chưa biết đóng gói và trình bày sao cho bắt mắt. Sản phẩm công nghệ cũng thế, cốt lõi chất lượng đã có, nhưng để trình bày thu hút về sản phẩm và khơi gợi được nhu cầu trong từng phân khúc khách hàng địa phương, ở từng thị trường quốc tế khác nhau là một thử thách. Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp thành công khi vươn ra thế giới nên chưa có đội ngũ nhân sự thực chiến giàu kinh nghiệm quay về tư vấn cho nhân sự trong trước. Đó chính là những yếu tố mà các doanh nghiệp công nghệ trong nước đang còn thiếu khi muốn vươn tầm thế giới.

Bên cạnh đó, tôi còn học hỏi ở chính đội ngũ quản lý cũng như nhân viên của mình. Ở VinHMS có một câu mọi người hay chia sẻ với nhau: “Respect is earned, not get”, sự tôn trọng là thứ phải tự mình tìm kiếm chứ không tự nhiên mà có. Không phải khi được giữ chức quản lý là mặc nhiên bạn giỏi hơn người khác, bạn phải không ngừng chứng minh năng lực, học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau thì mới nhận được sự trân trọng đúng vị thế của mình. Có thể tôi giỏi công nghệ, nhưng người khác có thể giúp tôi phát triển kỹ năng mềm hoặc cách quản lý nhân sự. Có những nhân viên tuy mới ra trường vài năm nhưng kỹ năng làm việc rất tốt. Tất cả đều có những điểm mạnh xứng đáng để chúng ta đúc kết và học hỏi.

ĐIỀU HÀNH DOANH NGHIỆP VỚI SỰ MINH BẠCH

Trong việc điều hành, cách thức để anh luôn có được sự đồng lòng từ đội ngũ với định hướng và con đường anh đang đi là như thế nào?

Với tôi, yếu tố “transparency – sự minh bạch” là tối quan trọng trong điều hành doanh nghiệp. Ở VinHMS, mỗi tháng sẽ tổ chức một buổi “AllHands” để tôi và giám đốc các khối chia sẻ về những gì đang làm và định hướng trong thời gian tới. Mục tiêu của buổi chia sẻ này là để mọi người hiểu rằng cả tập thể đang cùng nhau làm gì, tại sao cần làm như thế và làm như thế cho ai. Nếu nhân sự thấu hiểu và chia sẻ cùng tầm nhìn với doanh nghiệp, với lãnh đạo thì tinh thần gắn kết của đội nhóm sẽ gia tăng.

Sản phẩm VinHMS đang xây dựng có độ phức tạp cao nên luôn cần sức mạnh của cả tập thể. Dù một cá nhân có làm tốt đến đâu nhưng những đồng nghiệp phối hợp lại thiếu nỗ lực thì sản phẩm tổng thể cuối cùng cũng không thể tốt như mong đợi. Và đó là khi tinh thần minh bạch, rõ ràng phát huy tác dụng. Nếu mọi người trong quy trình đều hiểu rõ mục đích cuối là chất lượng sản phẩm và mỗi người chỉ là một phần trong đó thì bên cạnh việc phát triển bản thân, họ cũng sẽ biết giúp đỡ lẫn nhau nhằm đạt được mục đích chung đó. Tuy cá nhân là quan trọng nhưng kết quả tập thể vẫn là quan trọng nhất, vì khi sản phẩm hoàn thiện thì mọi người đều có lợi.

Phỏng vấn Tổng Giám đốc CEO VinHMS Nguyễn Văn Hoàng về công nghệ

Là một CEO có nền tảng đào tạo về công nghệ, vậy với những khía cạnh điều hành khác, anh tìm cách hoàn thiện chính mình ra sao?

Tôi không thể biết tất cả mọi thứ. Thế mạnh của tôi là công nghệ nên cũng có nhiều lĩnh vực tôi phải tìm hiểu thêm như tài chính, kế toán, nhân sự,… Vì thế, để bồi dưỡng thêm kiến thức, tôi thường đọc sách báo, trong đó đặc biệt là những câu chuyện cuộc đời hay bài học kinh doanh của các doanh nhân nổi tiếng thế giới. Từ những khó khăn họ đã trải qua, cách họ giải quyết vấn đề, tôi phần nào tham khảo được những kinh nghiệm quản trị quý giá. Dĩ nhiên, mỗi doanh nghiệp ở từng thời điểm có các vấn đề hoàn toàn khác nhau, cùng một phương pháp nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng thành công, nhưng đây là cách thức tương đối hữu hiệu giúp tôi có thêm kiến thức vận hành công ty.

Tại VinHMS, chính sách phát triển nhân sự đang được áp dụng như thế nào? Quan điểm của anh trong việc tìm kiếm và trọng dụng người tài là gì?

Với tôi, tại VinHMS, việc đối đãi với nhân sự sẽ chia làm hai giai đoạn tuyển dụng và trọng dụng. Ở giai đoạn tuyển dụng, chúng tôi có ba tiêu chí để thu hút người tài.

Một là, sức hút từ “Founder”, những người sáng lập hay lãnh đạo doanh nghiệp. Nhân sự giỏi thường chọn đầu quân cho người sếp mà họ tôn trọng và có nhiều điều hay để họ học hỏi. Vì thế, những người lãnh đạo doanh nghiệp rất quan trọng, họ như thế nào thì doanh nghiệp cũng sẽ phát triển như thế. Bản thân người lãnh đạo phải trở thành hình tượng chuẩn mực hay còn gọi là “role model” cho mọi nhân viên.

Hai là sức hút từ “Vision”, là tầm nhìn phát triển của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là mục tiêu mà doanh nghiệp theo đuổi phải tương xứng với giá trị quan của nhân sự. Ví dụ, nhân sự tiềm năng nếu quan tâm đến vấn đề môi trường họ sẽ không gia nhập công ty có sản phẩm gây hại cho môi trường. Một khi giữa doanh nghiệp và người tài đã có cùng tầm nhìn và tầm nhìn đó đủ lớn thì họ sẽ sẵn sàng đồng hành cùng nhau.

Thứ ba là sức hút từ “Compensation”, nghĩa là lương thưởng. Sau tất cả, cho dù có sếp giỏi, công việc định hướng tốt nhưng lương thưởng không tương xứng cũng khó thu hút người tài. Nhân sự dù có “máu lửa” làm việc đến đâu nhưng họ vẫn có gia đình hay nhiều vấn đề khác phải chăm lo về tài chính, vì thế lương thưởng phải ở mức cạnh tranh với thị trường để họ có thể toàn tâm toàn ý với công ty.

Thông thường, chi phí để giữ người luôn luôn rẻ hơn tuyển một người mới. Vì thế sau khi thu hút nhân tài chắc chắn phải đến giai đoạn trọng dụng họ. Lúc này, người lãnh đạo phải nói được làm được, “lead by examples”. Vì đãi ngộ tốt nhất dành cho nhân sự giỏi chính là tạo cơ hội cho họ được tự do chịu trách nhiệm, hoàn thành công việc và giúp đỡ họ khi thực sự cần. Khi ấy, kết quả công việc sẽ nói lên tất cả.

Tại VinHMS có chính sách động lực nào cho nhân sự nữ không? Anh đánh giá thế nào về năng lực làm việc của phái nữ trong ngành công nghệ – một ngành vốn được cho là của nam giới?

Do đặc thù ngành nghề công nghệ, đúng là tỷ lệ nhân sự nam luôn chiếm ưu thế so với nữ giới. Ở VinHMS, tỷ lệ nhân sự nữ đang chiếm khoảng 30%. Ngoài các quy định dành cho phụ nữ tại Bộ luật Lao động thì chúng tôi không áp dụng chính sách riêng nào khác cho nhân sự dựa trên giới tính. Bởi vì đã làm việc chuyên nghiệp, phương cách tốt nhất để đối đãi với nhân viên là đối xử công bằng, bình đẳng với tất cả mọi người dù là nam hay nữ để hướng đến kết quả công việc cuối cùng.

Nói về năng lực của phụ nữ trong ngành công nghệ thì rõ ràng họ cũng là những nhân sự “đáng gờm” (cười). Quá trình hoàn thành các sản phẩm công nghệ thường rất trường kỳ và thử thách sự kiên nhẫn của những người theo đuổi dự án. Và những nhân sự nữ trong đội ngũ chúng tôi luôn chứng minh được sự dẻo dai và kiên trì vô cùng đặc biệt, một đặc điểm nổi trội của họ so với đàn ông. Ngoài ra, nhóm khách hàng chính của chúng tôi là những người làm trong ngành khách sạn, vốn dĩ luôn có cách hành xử nhẹ nhàng, tinh tế nhất định. Vì thế nên, đội ngũ chăm sóc khách hàng và phân tích nghiệp vụ của VinHMS cũng có nhiều nhân sự nữ luôn có thế mạnh của sự chi tiết, tỉ mỉ để góp phần vào sự hài lòng của khách hàng.

Phỏng vấn Tổng Giám đốc CEO VinHMS Nguyễn Văn Hoàng về công nghệ

Vậy theo anh, người CEO cần theo đuổi những tiêu chí gì để có thể phát triển và lèo lái doanh nghiệp bền vững, đúng định hướng?

Đầu tiên là chữ “tâm”, như một người sếp của tôi từng nói rằng: “Tâm sáng thì cứ đi”. Quan trọng là chúng ta luôn vững tin mình đang làm những điều tốt đẹp. Thứ hai chính là phải có tầm nhìn đủ lớn. Một khi tầm nhìn đủ lớn thì kết quả đạt được sẽ lớn và đem lại giá trị cho tất cả từ công ty đến nhân viên. Lúc đó, mọi người có nhiều việc quan trọng để làm, công ty phát triển thì lương thưởng cũng tốt hơn. Đó là cách tôi áp dụng để xây dựng một doanh nghiệp bền vững.

SỐNG VỚI TINH THẦN BIẾT ƠN

Phát triển sự nghiệp trong ngành công nghệ có lẽ là điều không dễ dàng, vậy trong suốt những giai đoạn thăng trầm đã qua, anh từng bao giờ thất vọng, nản lòng hay đánh mất niềm tin chưa?

Con người ai cũng có lúc mệt mỏi và bế tắc, tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng nào có ai thành công mà chưa từng đi qua thất bại, ngay cả những vị doanh nhân nổi tiếng. Tôi nhìn nhận khó khăn chỉ là ngắn hạn, như một câu nói của Chủ tịch Tập đoàn Huyndai mà tôi từng đọc được: “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách”. Trong những thời khắc quá khó khăn, tôi thường dành cho mình một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, nếu chưa thể nghỉ dài ngày thì đơn giản chỉ là ăn uống và thư giãn, để sau đó tôi có thể quay lại công việc với tinh thần thoải mái hơn và sẵn sàng vượt qua khó khăn.

Với tôi, được làm việc là niềm vui lớn nhất. Nhất là những công việc đang làm được góp phần vào sự phát triển của một trong những ngành nghề mũi nhọn của quốc gia khiến tôi ý thức được tầm vóc to lớn của chúng và cảm thấy mọi công sức bỏ ra đều xứng đáng. Tôi nhận định hành trình mà tôi và cộng sự đang đi là không hề dễ dàng, không thể đạt thành tựu trong một sớm một chiều mà sẽ trải qua nhiều thử thách, mất nhiều thời gian và cần nhiều người hỗ trợ. Thế nên, dù có khó khăn hay gặp những tình huống thất vọng, tôi vẫn sẽ cố gắng vượt qua và bước tiếp.

Hành trình anh đi khá dài, vậy ở thời điểm này khi nhìn lại những gì đã qua, anh cảm thấy như thế nào?

Cảm giác lớn nhất tôi đang có là sự biết ơn. Có rất nhiều người tài năng hơn tôi, có điều kiện tốt hơn tôi nhưng vì nhiều lý do, chưa chắc họ có được cơ hội để làm những điều tôi đang làm. Tuy hành trình đã qua có nhiều thăng trầm nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy may mắn vì được tin tưởng trao cho cơ hội theo đuổi hoài bão của mình, cũng như được lan tỏa sự biết ơn mà mình đang có đến tất cả mọi người xung quanh. Bên cạnh công việc, tôi thấy biết ơn vì gia đình, vợ con đều khỏe mạnh, đối với tôi như vậy là quá đủ.

Giới nữ doanh nhân thường nói về khái niệm cân bằng cuộc sống và công việc, với nam doanh nhân anh có từng nghĩ về khái niệm này không?

Ở xã hội Việt Nam hiện nay, đàn ông vẫn có nhiều thuận lợi để phát triển sự nghiệp hơn nữ giới. Vậy nên, tôi nghĩ đàn ông không nhất thiết đòi hỏi sự cân bằng, đặc biệt là sẽ không công bằng khi so sánh với phụ nữ – những người có nhiều thiên chức để đảm đương chắc chắn cần đến sự cân bằng nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng cân đối quỹ thời gian dành cho công việc và gia đình của mình sao cho chu toàn nhất. Tôi thấy mình may mắn khi cuộc sống gia đình và công việc đều đang tương đối ổn định, tôi có một giấc mơ lớn, một cơ hội lớn nên cứ thế mà nỗ lực tiếp thôi.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Nguồn: Tạp chí Nữ doanh nhân

We update all the time vi The latest writings from our team vi

The latest industry news, interviews, technologies, and resources. vi

Copied